Thú y - Lĩnh vực tiềm năng tại thị trường Việt Nam hiện nay
Hiện nay, ngành công nghiệp thú cưng, đặc biệt là ngành thú y được đánh giá là có tiềm năng lớn tại Việt Nam với sự tham gia của rất nhiều tên tuổi lớn trong và ngoài nước.
Chính vì thế, việc marketing và xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín cho các bệnh viện, phòng khám thú y là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh tại Việt Nam. Nếu bạn đang kinh doanh hoặc muốn tham gia vào thị trường sôi động này, thì đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Marketing Hiệu Quả Cho Phòng Khám Thú Y chỉ với 5 bước cơ bản
Bước 1: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho phòng khám thú y của bạn.
Đây chính là bước đầu tiên để giúp định vị doanh nghiệp của bạn, phòng khám của bạn trên thị trường thú cưng với hàng nghìn phòng khám thú y khác. Bộ nhận diện thương hiệu có thể giải thích là những yêu tố như tên gọi, logo, biểu tượng, màu sắc thương hiệu, Slogan, phương châm hoạt động của phòng khám được thiết kế một cách thống nhất trên mọi nơi thương hiệu xuất hiện.
Điều tiên quyết khi bạn bắt tay vào làm bộ nhận diện thương hiệu cho phòng khám chính là sự độc đáo, dễ dàng phân biệt, tất cả các yếu tố từ logo, tên thương hiệu đến màu sắc, font chữ đại diện đều cần có sự liên kết với nhau. Ngoài ra, cần đảm bảo tính thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục và không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh với các thương hiệu khác.
Sau đây là một số yếu tố cơ bản để hình thành nên bộ nhận diện thương hiệu cho phòng khám của bạn:
Tên gọi: Tên thương hiệu của bạn, bao gồm cách viết, cách đọc thương hiệu. Một cái tên hiệu quả sẽ giúp bạn khẳng định sự hiện diện của mình trên thị trường và giúp khách hàng dễ gọi tên và sử dụng dịch vụ của phòng khám.
Logo: Biểu tượng của doanh nghiệp giúp khách hàng có thể nhận diện được thương hiệu. Một logo hiệu quả cần có sự khác biệt của thương hiệu, có sự liên hệ đến dịch vụ mà bạn cung cấp, đồng thời cần gợi tả tính cách thương hiệu của bạn.Các logo có hình thú cưng, nét vẽ hình động vật được coi là tính cách nhận diện cho phòng khám.
Slogan: Câu khẩu hiệu của thương hiệu, giúp khách hàng dễ nhớ và phần nào hình dung ra được đặc trưng của phòng khám của bạn là gì. Slogan phải mang tính dễ đọc, dễ nhớ, đặc biệt và để lại ấn tượng tốt cho khách hàng khi lần đầu đọc chúng.
Màu sắc chủ đạo: Mỗi màu sắc đều mang một hay nhiều ý nghĩa tùy vào lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hướng đến. Với lĩnh vực y tế, thú y, màu sắc chủ đạo thường là màu trắng, xanh dương, xanh lá. Màu trắng tượng trưng cho sự sạch sẽ, thanh khiết thể hiện bản chất của lĩnh vực y tế. Màu xanh dương, xanh lá lại gợi đến sự tin cậy, tận tâm của đội ngũ các y bác sĩ. Các gam màu sắc còn là điểm nhấn nổi bật cho người nhìn, không nên chọn các màu tối, không hài hòa và khó nhìn.
Bảng hiệu: Bảng hiệu là những loại biển có ghi thông tin, hình ảnh đặt hoặc treo ở trong nhà, ngoài trời. Được sử dụng trên nhiều loại chất liệu với mục đích truyền tải thông tin và thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng. Hiện nay bảng hiệu đèn led khá được ưa chuộng bởi sự lộng lẫy, ấn tượng, dễ thấy cho khách hàng của bạn. Những phòng khám nằm trong góc nên được trang bị bảng hiệu lớn to, để khách hàng có thể thấy rõ nhất.
Danh thiếp: Danh thiếp/ name card không chỉ mang ý nghĩa cung cấp thông tin liên hệ của phòng khám cho khách hàng mà còn giúp bạn dễ dàng kết nối với những khách hàng mới hơn.
Tờ rơi: Tờ rơi cũng có chức năng như danh thiếp/ name card, nhưng được phân phối rộng rãi và dễ dàng hơn, cung cấp nhiều thông tin của phòng khám, dịch vụ của bạn đến với khách hàng.
Menu/ Catalog: Menu/ Catalog giúp phòng khám thể hiện rõ hơn những đặc điểm độc đáo, nổi bật cho từng dịch vụ.
Brand Guideline: Bản hướng dẫn, bao gồm những quy định về quảng bá thương hiệu. Brand Guideline hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thiết kế logo bao bì, thiết kế ấn phẩm truyền thông, xây dựng website, các chiến dịch marketing… đúng quy cách và thống nhất với nhau xuyên suốt thời gian thực hiện.
Bước 2: Chuẩn bị tư liệu truyền thông cho phòng khám thú y
Sau bước xây dựng bộ nhận diện, đây là lúc bạn cần bắt tay chuẩn bị tư liệu truyền thông cho phòng khám. Bước 2 này sẽ là nền tảng vững chắc cho kế hoạch marketing của bạn.
Các tư liệu truyền thông bạn cần chuẩn bị:
Hình ảnh cơ sở, trang thiết bị, vật tư: Một phòng khám thú y gọn gàng, sạch đẹp sẽ là một điểm cộng cực kỳ lớn trong mắt chủ nuôi. Hiện nay, số lượng người trẻ tuổi nuôi thú cưng ngày càng nhiều, họ là những hiện đại và yêu cái đẹp, chính vì thế họ sẽ ưu tiên những cơ sở có vẻ ngoài đẹp mắt. Điều đó thể hiện qua những hình ảnh mà doanh nghiệp đăng tải và truyền thông.
Profile nhân sự: Những bác sĩ thú y giỏi, tận tâm với nghề, yêu thương và hết lòng chữa trị thú cưng của khách sẽ là nhân tố quyết định khách hàng có quay lại với phòng khám của bạn hay không. Việc xây dựng một profile bác sĩ chuyên nghiệp, bao gồm hình ảnh và nội dung giới thiệu, học vị, kinh nghiệm của bác sĩ sẽ khiến phòng khám của bạn trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt khách hàng.
Nội dung giới thiệu: Những gì bạn muốn cho khách hàng biết về phòng khám của bạn: Quá trình hình thành và phát triển, các dịch vụ bạn cung cấp, chi tiết về các dịch vụ và công nghệ hiện đại, điểm khác biệt của từng dịch vụ…
Bước 3: Triển khai thi công
Theo thống kê, trên cả nước có gần 2,000 cơ sở thú y. Để thu hút số lượng khách hàng đến phòng khám, ngoài chất lượng khám - chữa bệnh, bạn còn cần quan tâm đến các yếu tố khác để tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng, chăm sóc khách hàng tốt nhất và tăng tỷ lệ quay lại của khách hàng, đó chính là:
Xây dựng chân dung khách hàng tiềm năng:
Dù là kênh marketing online hay offline thì bạn cũng cần xác định rõ chân dung khách hàng của mình. Một số yếu tố cần phải phác thảo rõ ràng như:
- Độ tuổi
- Giới tính
- Vị trí địa lý
- Thói quen về chăm sóc sức khỏe cho thú cưng
Khi xác định được rõ chân dung khách hàng, bạn sẽ tạo ra những chiến dịch, ý tưởng marketing phù hợp để thu hút nhóm khách hàng này cho phòng khám của mình.
Thiết kế website:
Theo khảo sát, có đến 65% chủ nuôi có thói quen tìm kiếm giải pháp bằng cách search Google/ Youtube. Do đó, phòng khám thú y cần có sự hiện diện trực tuyến để chủ nuôi tìm thấy bạn, dễ nhất là qua Website. Đây có thể gọi là “ngôi nhà thứ 2” để khách hàng ghé thăm sau cửa hàng vật lý của bạn.
Website sẽ là nơi cung cấp tất cả thông tin khách hàng cần tìm hiểu một cách nhanh chóng nhất, và cũng là nhân tố không thể thiếu nếu giai đoạn sau bạn muốn chạy quảng cáo trên Google - nền tảng quảng cáo hiệu quả nhất để tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Tạo fanpage và các kênh social:
Fanpage Facebook: Fanpage là nơi khách hàng có thể tương tác và liên hệ bạn một cách nhanh chóng nhất. Bạn có thể tạo các chiến dịch marketing trên fanpage như minigame, chạy ads và quản lý các bài đăng, seeding để tiếp cận nhiều khách hàng nhất có thể.
Ngoài Facebook, các nền tảng khác cũng rất phổ biến và có thể giúp phòng khám của bạn tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng: Tiktok, Instagram, Youtube,...
Lên kế hoạch marketing chi tiết:
Để có một kế hoạch marketing chi tiết, phòng khám của bạn có thể dựa trên 4P hay còn gọi là marketing mix (marketing hỗn hợp), trong đó P1 là Product (Sản phẩm), P2 là Price (Giá), P3 là Promotion (Quảng bá) và P4 là Place (Địa điểm).
Bước 4: Thực thi marketing
Sau khi đã có kế hoạch marketing chi tiết, đây chính là lúc bạn thực thi marketing một cách hiệu quả, với các hoạt động như:
Triển khai nội dung hàng ngày:
Để thu hút khách hàng ghé thăm Website/ Fanpage hay các kênh social khác của phòng khám, bạn cần có kế hoạch đăng tải nội dung mỗi ngày. Hãy tìm một chủ đề chính để chia sẻ, chủ đề này cần đủ rộng và nội dung phải có giá trị lâu dài. Bên cạnh đó, chủ đề bạn chọn phải phục vụ riêng cho ngành của bạn như vậy mới có thể chia nhỏ thành các chủ đề phụ khác nhau và tiếp cận đúng tệp khách hàng quan tâm đến dịch vụ của bạn.
Tổ chức sự kiện:
Không chỉ tiếp cận khách hàng online, gặp gỡ trực tiếp để khẳng định uy tín của phòng khám cũng là một hoạt động cần thiết. Các sự kiện như khai trương phòng khám, offline hội thú cưng, sự kiện theo dịp lễ Tết, Halloween, Giáng Sinh, các workshop chia sẻ kiến thức, cách chăm sóc thú cưng sẽ là những ý tưởng bạn có thể tham khảo.
Quảng cáo:
Như đã đề cập ở trên, chạy quảng cáo là một phần khó có thể thiếu trong quá trình quảng bá cho phòng khám của bạn. Bạn có thể tham khảo các loại hình quảng cáo phổ biến hiện nay như Google Ads, Facebook Ads. Tuy nhiên, bạn cần biết cách thiết lập tài khoản quảng cáo cho đúng đối tượng mục tiêu, nếu không tiền quảng cáo bạn bỏ ra sẽ bị lãng phí.
Chăm sóc khách hàng:
Trên thực tế, nhiều phòng khám chỉ quan tâm tới yếu tố khám, chữa bệnh tốt mà không để ý tới dịch vụ chăm sóc khách hàng. Có rất nhiều chủ nuôi chia sẻ họ cảm thấy lo lắng, không yên tâm khi phòng khám không giải đáp được những thắc mắc của họ hoặc chỉ trả lời qua loa, số khác cho biết sau khi khám, chữa bệnh xong, rất ít khi bác sĩ hỏi thăm tình trạng của thú cưng. Đó cũng là một trong những lý do khiến khách hàng thất vọng và không trở lại cơ sở của bạn. Chính vì thế, việc làm quy trình chăm sóc khách hàng bài bản, chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân sự, từ các bác sĩ thú y tới chuyên viên chăm sóc thú cưng là rất quan trọng.
Sử dụng các phần mềm quản lý phòng khám thú y
Với một chiếc smartphone kết nối Internet, chủ phòng khám có thể tra cứu và xác minh các thông tin về, phòng khám dịch vụ, lưu trú thú cưng, sản phẩm petshop,… Bạn có thể tiếp cận với các khách hàng của mình và theo dõi hoạt động của phòng khám ở bất cứ nơi đâu, đồng thời có hỗ trợ bạn về việc quản lí chi tiêu, doanh thu, tồn kho và cả việc chăm sóc khách hàng.
Bước 5: Đánh giá và tối ưu kế hoạch marketing
Thường xuyên cập nhật để đánh giá và tối ưu các hoạt động marketing để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và marketing hàng tuần. Đồng thời, đề ra hướng tối ưu và phát triển phù hợp cho phòng khám thú y của bạn.
Nhìn chung, để marketing tốt cho phòng khám thú y, bạn cần có một dịch vụ tốt, hiểu rõ thế mạnh, điểm yếu của phòng khám để có một chiến lược marketing hiệu quả. Đặc biệt, hãy chọn đúng kênh marketing có khách hàng tiềm năng phù hợp nhất với sản phẩm, dịch vụ của bạn.